Điểm mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liê

Ngày 05/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định gồm 4 chương, 23 điều, kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP mà trong thực tế không có vướng mắc, chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch.

Một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị Định 132/2020/NĐ-CP

1. Thay thế nguyên tắc "Bản chất quyết định hình thức" bằng nguyên tắc " Bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế".

2. Về các bên có quan hệ liên kết: 

  • Tại điểm g khoản 2 điều 5 bổ sung thêm đối tượng "Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ:...cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con riêng của vợ hoặc chồng, anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha;"
  • Bổ sung các đối tượng có quan hệ liên kết tại điểm l, khoản 2 điều 5: Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này”

3. Khống chế chi phí lãi vay

Nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên thành 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Bổ sung thêm trường hợp không áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay với người nộp thuế là “… các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ…; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia…; các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);”

4. Khoảng giá trị giao dịch độc lập

Thay đổi cận dưới của “Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn” là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75; trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là giá trị bách phân vị thứ 50 theo hàm xác suất thống kê. (trước đây là từ 25 đến 75)

5. Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

Thời hạn nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho Cơ quan thuế chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao. (trước đây phải nộp cùng với thời hạn nộp quyết toán thuế TNDN năm)

6. Thủ tục tham vấn của cơ quan thuế

Cơ quan thuế thực hiện thủ tục tham vấn trước, trong và sau quá trình thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết.

7. Miễn kê khai, miễn lập hồ sơ

Bổ sung trường hợp được miễn kê khai mục III, mục IV Phụ lục I, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết: trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…

8. Lãi vay với đối tượng miễn lập hồ sơ

Các trường hợp được miễn kê khai, và miễn lập hồ sơ vẫn bị khống chế chi phí lãi vay tối đa bằng 30% EBITDA.

9. Hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN 2020

Đối với các trường hợp kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 và năm 2018 theo các quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP đến thời điểm Nghị định 132 có hiệu lực mà chưa kê khai thì vẫn tiếp tục được kê khai bổ sung đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Đối với trường hợp được chuyển chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Trường hợp sau 05 năm không chuyển hết thì phần chi phí lãi vay còn lại không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Copyrights © 2021 SEAAUDIT. All rights reserved.
Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: