Nghị định 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022

Sửa đổi quy định về giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

Nội dung đề cập tại Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, quy định về giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được sửa đổi như sau:

(1) Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
 
(So với hiện hành, bỏ quy định về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng)
 
(2) Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
 
(3) Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
 
(So với hiện hành, bỏ quy định về tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước không bao gồm tiền thuê đất được miễn, giảm)
 
Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại (1) và (3) là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
 
(So với hiện hành, bổ sung quy định về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng)
 
(4) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng.
 
(So với hiện hành, thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không còn quy định về việc bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có))
 
Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có).
 
(Hiện hành, cơ sở kinh doanh không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng)
 
Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
 
(So với hiện hành, bỏ quy định về trường hợp giá đất được trừ không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng)
 
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.
 
(Điểm mới)
 
Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
 
(Điểm mới)
 
(5) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
 
(Điểm mới)
 
(6) Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật;
 
Nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

 

Quy định mới về hoàn thuế GTGT theo NĐ 49/2022/NĐ-CP

1. Điều kiện được hoàn thuế đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh

Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về điểu kiện dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh được hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) như sau:

(1) Cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (bao gồm cả cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư);

(2) Có dự án đầu tư mới (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư) tại địa bàn cùng tỉnh, thành phố hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính (trừ trường hợp dự án đầu tư không được hoàn thuế mà được kết chuyển số thuế được khấu trừ sang kỳ tiếp theo và dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư;

(3) Có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong giai đoạn đầu tư lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế GTGT.

Đặc biệt, Nghị định 49/2022/NĐ-CP còn bổ sung trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các trường hợp sau thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế, bao gồm:

+ Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận;

+ Dự án đầu tư trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành chưa phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận;

+ Dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành không phải có giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.

2. Cách thức hoàn thuế GTGT

- Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai thuế GTGT riêng đối với dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện (nếu có).

- Sau khi bù trừ nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào lũy kế của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế GTGT.

- Trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì cơ quan thuế có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để quyết định việc hoàn thuế GTGT.

3. Thời điểm có hiệu lực

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 49/2022/NĐ-CP thì các quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư có hiệu lực từ ngày 12/09/2022. Riêng:

- Các quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được áp dụng kể từ ngày 01/07/2016.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh đã bị thu hồi số thuế GTGT của dự án đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP) thì cơ quan thuế điều chỉnh tiền thuế GTGT, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có). Việc bù trừ, hoàn nộp thừa thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

 
Nghị định 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.

Tải văn bản gốc đã được đăng Công báo về tại đây:  Nghị định 49/2022/NĐ-CP 

Copyrights © 2021 SEAAUDIT. All rights reserved.
Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0903132222